Nóng trong tuần: Có nên đầu tư mua nhà đất lúc này?

 Những dấu hiệu cho thấy thị trường căn hộ Hà Nội “vào sóng”, nhà đầu tư cần tỉnh táo; Điểm danh 4 dự án hạ tầng giao thông quan trọng sắp được khởi công; “Dọn tổ đón đại bàng”, Đồng Nai mời gọi đầu tư tại hai quốc gia luôn trong top đầu về số vốn FDI vào Việt Nam; Tuyến đường ven biển hơn 7.600 tỉ đồng đi qua trung tâm TP. Phan Thiết... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Nóng trong tuần: Có nên đầu tư mua nhà đất lúc này?

Hình minh họa

Thực hư thị trường bất động sản đang vui trở lại?

Thị trường có tín hiệu, các doanh nghiệp Bất động sản đang triển khai dự án trở lại, một số ý kiến cho rằng thị trường bất động sản đang dần phục hồi.

Hai tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất và trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu bất động sản cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường.

Trong báo cáo ngành bất động sản nhà ở, Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng cùng chung nhận định, thời điểm khó khăn nhất của thị trường nhà ở đã đi qua, tiến trình phục hồi từng bước và chậm rãi. Trong đó, đô thị hóa và đầu tư công được kỳ vọng sẽ là các chất xúc tác tích cực giúp ngành bất động sản phục hồi trong dài hạn.

Bên cạnh đó, đà hồi phục của thị trường địa ốc đến từ nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân vẫn rất cao nhờ lực lượng lao động trẻ và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường sơ cấp thắt chặt trong 3 năm qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến giá chung cư tăng cao.

Trong một báo cáo gần đây, CBRE Việt Nam cho biết, theo sau giai đoạn tăng trưởng mạnh về nguồn cung từ năm 2015 đến năm 2019, là giai đoạn thiếu hụt nguồn cung tiếp diễn, với số lượng nhà ở mở bán mới thấp nhất trong một thập kỷ vào năm 2023, đánh dấu một giai đoạn nhiều biến động trong lịch sử thị trường bất động sản Việt Nam, dù cho nhu cầu nhà ở cơ bản vẫn mạnh mẽ.

Những dấu hiệu cho thấy thị trường căn hộ Hà Nội “vào sóng”, nhà đầu tư cần tỉnh táo

Nguồn cung mới khan hiếm, chủ yếu là các dự án cao cấp trên 60 triệu/m2, khiến cho thị trường căn hộ thứ cấp tại Hà Nội trở thành hàng “hot”. Tuy nhiên, mặt bằng giá tăng quá nóng thời gian vừa qua khiến dư luận đặt dấu hỏi cho tình trạng này. Chuyên gia lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư phải hết sức tỉnh táo trước khi quyết định giao dịch.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate cho biết, thị trường giao dịch chuyển nhượng tại Hà Nội trong quý 1.2024 ước đạt khoảng 15.000 - 16.000 giao dịch. Trong đó, phần lớn đến từ giao dịch chuyển nhượng nhà phố thổ cư với hơn 50% lượng giao dịch toàn thị trường; giao dịch chuyển nhượng chung cư cao tầng xếp thứ 2 với gần 42% lượng giao dịch.

Riêng về giao dịch chuyển nhượng thổ cư, có 72% tập trung tại 6 quận trung tâm bao gồm Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm. Đây là những quận có nguồn cung thổ cư đa dạng và mặt bằng giá hấp dẫn hơn các quận nội thành.

Cầu hơn 8.300 tỉ nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh chốt ngày khởi công?

Dự án cầu Thượng Cát đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 8.300 tỷ đồng, cầu có 4 nhịp chính, sử dụng kết cấu dây văng.

Theo phương án kiến trúc, trụ cầu được thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên theo chủ đề "Cánh chim hoà bình". Cầu có chiều dài 820m, mặt cắt ngang chiều rộng 33m chia làm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội mới đây đã yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc tư vấn hoàn thiện thiết kế, trong đó có việc điều chỉnh mái cầu tăng thêm độ vát, nghiêng; chiều dài nhịp từ 200m có thể xem xét nâng lên 270m để phù hợp với lưu lượng giao thông dự báo.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ thi công dự án để lựa chọn nhà thầu, nếu các công việc này hoàn thiện sớm, cầu sẽ được khởi công vào quý 4/2024 cụ thể là dịp 10/10 Giải phóng Thủ đô.

Điểm danh 4 dự án hạ tầng giao thông quan trọng sắp được khởi công

Dự án nâng cấp quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc có tổng chiều dài hơn 11km, tổng vốn đầu tư hơn 1.258 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu khoảng Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh) huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (khoảng Km49+768,27), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo 11,06 km Quốc lộ 2 để đạt quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật: đường cấp III đồng bằng, 4 - 6 làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn có tổng chiều dài khoảng 28,98km vốn đầu tư là 1.665 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới - Chợ Chu), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với Quốc lộ 2C), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 46 đoạn TP Vinh - Nam Đàn có chiều dài gần 11km, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng.

“Dọn tổ đón đại bàng”, Đồng Nai mời gọi đầu tư tại hai quốc gia luôn trong top đầu về số vốn FDI vào Việt Nam

Mới đây Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và doanh nghiệp liên quan để rà soát tiến độ chuẩn bị công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Đồng Nai sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tháng 4/2024.

Tại hội nghị sắp tới, Đồng Nai dự kiến sẽ giới thiệu các nội dung về những định hướng chính sách phát triển và thu hút đầu tư FDI vào Đồng Nai; giới thiệu về các khu công nghiệp mời gọi đầu tư của đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; khái quát về tình hình và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Đồng Nai.

Dự kiến tại các hội nghị xúc tiến đầu tư tại mỗi nước sẽ có khoảng 70 đến 100 doanh nghiệp tham dự. Trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đang đầu tư tại Đồng Nai, như: Tập đoàn Sojitz, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành; Công ty Cổ phần đô thị Amata Long Thành, Tập đoàn Saigontel, Tập đoàn Hyosung…

Tuyến đường ven biển hơn 7.600 tỉ đồng đi qua trung tâm TP. Phan Thiết sẽ được đầu tư như thế nào?

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị này đang gấp rút triển khai phương án đầu tư tuyến đường ven biển qua địa bàn TP. Phan Thiết. Theo đề xuất, tuyến đường này có tổng chiều dài 14km. Điểm đầu tại phường Phú Hài, điểm cuối giao với ĐT 719 tại xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết).

Trong đó, điểm đầu dự án giao đường P24 tới cầu vượt cửa sông Phú Hài có chiều dài khoảng 2,4km, xây dựng cầu vượt cửa sông Phú Hài, chiều dài khoảng 1,1km. Trên tuyến sẽ xây dựng cầu vượt cảng vận tải Phan Thiết, đường dẫn và kết nối trục ven biển ĐT 719.

Dự kiến, tuyến đường này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2025-2035. Tổng vốn đầu tư của dự án ước hơn 7.600 tỉ đồng. Đây là dự án đã nằm trong quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Gần 10.000 tỉ đồng đầu tư dự án hạ tầng giao thông ở Bình Định

Đối với kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã cân đối được khoảng 9.711 tỉ đồng để đầu tư 03 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và khởi công mới 06 dự án.

Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị đầu tư mở rộng Quốc lộ 19C đoạn qua thị trấn Vân Canh theo quy mô quy hoạch. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng chiến lược nên chưa thể cân đối nguồn lực để thực hiện thêm các dự án khác trong đó có Quốc lộ 19C.

Căn cứ nhu cầu đầu tư theo kiến nghị, Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét khi có điều kiện về nguồn lực. Trước mắt, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bên liên quan và địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra và duy tu, sửa chữa các tuyến nêu trên để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Lâm Đồng tổng rà soát Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký nhưng chưa trao cho người dân

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, triển khai thực hiện các nội dung theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 10230/BTNMT-ĐKDLTTĐĐ ngày 04/12/2023.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm nhất đến ngày 12/4/2024.

Trước đó, ngày 2/4/2024, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có văn bản gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đôn đốc gửi báo cáo Giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao cho người sử dụng đất.

Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cho biết, ngày 04/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 10230/BTNMT-ĐKDLTTĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

#himlamthuongtin #himlamvinhtuy #nguyentuhimlam.com